Chuyến đi đến Fiji là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tác giả. Chắc hẳn nhiều bạn đọc không hề biết hoặc chưa từng nghe qua về đất nước Fiji và chiều ngược lại cũng xảy ra tương tự với người Fiji. Bạn nào có quả địa cầu hay bản đồ thế giới bên cạnh xin hãy tìm đến cực đông của nước Nga, có một đường in đậm gọi là ”Đường đổi ngày quốc tế”, lần dọc theo đường này xuống phía nam sẽ thấy một vài hòn đảo nhỏ nằm chính giữa kinh tuyến 180° chia Trái Đất thành hai nửa Đông-Tây, đó chính là Fiji.
Có một chi tiết nhỏ thế này, khi tàu du lịch ra biển sắp khởi hành, mình cũng như mấy ông bà Tây to béo chen nhau bước lên tàu trên cái tấm ván bé tí. Anh Fiji dưới tàu liền nói: “Slow down, slow down! Remember it’s Fiji time!” (Từ từ, từ từ thôi, nhớ rằng đây là thời gian ở Fiji). Phải đến khi kết thúc cả chuyến đi mình mới thực sự hiểu “Fiji time” là gì. Vì vậy trong bài này, tạm thời chưa bàn đến chính trị, lịch sử hay những con số mà viết ra chỉ đơn thuần là cảm xúc. Xin phép được kể với bạn đọc một cách chậm rãi nhưng đầy đủ nhất về một miền đất xa xôi, tươi đẹp, còn nghèo khó nhưng ngập tràn hạnh phúc.
*
Có một chi tiết nhỏ thế này, khi tàu du lịch ra biển sắp khởi hành, mình cũng như mấy ông bà Tây to béo chen nhau bước lên tàu trên cái tấm ván bé tí. Anh Fiji dưới tàu liền nói: “Slow down, slow down! Remember it’s Fiji time!” (Từ từ, từ từ thôi, nhớ rằng đây là thời gian ở Fiji). Phải đến khi kết thúc cả chuyến đi mình mới thực sự hiểu “Fiji time” là gì. Vì vậy trong bài này, tạm thời chưa bàn đến chính trị, lịch sử hay những con số mà viết ra chỉ đơn thuần là cảm xúc. Xin phép được kể với bạn đọc một cách chậm rãi nhưng đầy đủ nhất về một miền đất xa xôi, tươi đẹp, còn nghèo khó nhưng ngập tràn hạnh phúc.
*
Fiji là cái tên xa lạ với chúng ta nhưng lại là thiên đường của du lịch thế giới. Cả dân chuyên đi bụi lẫn giới đi máy bay riêng đều biết tiếng và muốn đến đây nghỉ dưỡng. Fiji vốn là nơi nghỉ mát quen thuộc của dân Úc và New Zealand, bây giờ còn hấp dẫn cả dân chơi Hàn Nhật. Một quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, nóng ẩm quanh năm, biển xanh cát trắng, đáy biển tuyệt đẹp đúng là mục tiêu lý tưởng trên những quảng cáo du lịch cho dân da trắng luôn thèm khát được tắm biển mỗi ngày, tắm nắng cho da cháy nâu bóng, ăn hải sản không đông lạnh và lặn biển ngắm san hô. Nếu ai đọc Đôrêmon thì cũng biết đấy chẳng phải là ước mơ to lớn của Nobita hay của hàng triệu gia đình trung lưu nước Nhật là được đi nghỉ mát và thoát khỏi cuộc sống đô thị đông nghẹt người? (Dĩ nhiên đích ngắm của Nobita hơi khác một chút, là Hawaii cơ). Đối với riêng mình (và mình tin là nhiều người khác cũng vậy), cái để lại ấn tượng không nằm ở cảnh (Nha Trang, Phú Quốc kém gì) mà lại ở con người. Sau khi rời Fiji, bạn chợt nhận ra rằng những cụm từ “Người Việt Nam rất thân thiện” hay “Thái Lan là xứ sở của những nụ cười” thật vô nghĩa và buồn cười.
Khi bạn đến một đất nước không có cộng đồng người Việt sinh sống và cũng chẳng có mấy khách du lịch từ Việt Nam qua thì quan sát phản ứng của anh đóng dấu hộ chiếu bao giờ cũng thú vị. Mình biết trước điều này vì khi nộp hồ sơ xin visa, nhân viên Đại sứ quán thú nhận là lần đầu xử lý trường hợp quốc tịch Việt Nam nên mình đã để tâm quan sát.
Mình đưa hộ chiếu qua khe kính, anh nhân viên nhập cảnh có một chút sốc nhẹ. Đầu tiên cầm bằng hai tay đọc cho hết chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, rồi lật mặt sau xem thử, ngẩng lên nhìn mặt mình, bắt đầu mở ra xem trang lý lịch, bỏ xuống, gõ máy tính lạch cạch một lúc lâu (mình đoán là tra xem thủ tục nhập cảnh thế nào, vì Tây và Nhật Hàn không cần visa, cứ thế là qua thôi). Xong đứng phắt dậy, nhiệt tình mời mình đi theo để đích thân anh làm visa cho. Đến đây thì mình không nhịn được cười bảo: “Ô hay cái anh này, visa của tôi lù lù trong hộ chiếu, ai đời lại quên không kiểm tra hộ chiếu của khách bao giờ?”. Lúc này anh đỏ mặt (mình nghĩ thế, tại da ảnh đen sì, không thấy màu đỏ), xin lỗi rối rít, rồi lại ngồi xuống hì hục gõ máy, nhân tiện mình hỏi luôn là xin visa tại sân bay có được không, anh bảo được (nhưng trên mạng không thấy ghi nên mình cứ xin trước cho chắc ăn). Con dấu nhập cảnh thiết kế có mỗi chữ “thời hạn bốn tháng” (vì hầu hết các nước được miễn thị thực), anh lấy cái bút bi, gạch đi viết luôn chữ “sáu ngày” lên bên cạnh. Mình đi qua, anh ấy còn cười mỉm và chào, thái độ như vậy thì mình cũng không thể bực người ta được.
Sân bay đơn giản và cũ kỹ, nhưng có hai người bê hành lý hộ khách bỏ lên máy soi chiếu đã thấy rất khác cung cách làm việc ở sân bay to nhất Việt Nam. Fiji là nơi duy nhất mà mình từng thấy nhân viên xuất nhập cảnh, hải quan, an ninh sân bay cười tươi, nói chuyện vui vẻ với du khách (không phải cười mỉm nhé). Tất cả đều nói: “Bula!” (tiếng Fiji nghĩa là “Chào”). Ngồi trên taxi về nhà nghỉ, mình chỉ nhìn anh cảnh sát giao thông đứng giữa ngã tư qua cửa kính mà anh cũng vẫy tay chào, cười tươi roi rói làm mình phải thấy ngượng ngùng vì “ bất lịch sự” và vội vàng vẫy tay đáp lại. “Bula Fiji” đã trở thành thương hiệu mà nó hoàn toàn không phải xuất phát từ một chiến dịch quảng bá du lịch nào hết, người ta dùng một cách rất tự nhiên. Email của đại sứ quán cũng chào thế mà ông già đi nhặt rác trên bãi biển buổi sớm cũng chào vậy, luôn luôn đi kèm một nụ cười “ngoác tận mang tai”.
Bà chủ nhà nghỉ dáng người to béo, tóc đã bạc, ra đón cười rất tươi thấy mình và trách là sao không đặt xe của nhà ra đón lại đi taxi cho tốn tiền. Tên nhà nghỉ có chữ “resort” nhưng đẳng cấp thì ngang tầm motel thôi, bù lại biển ở ngay trước mặt, ba bước là chạm đến bãi cát, cảm giác mình ta sở hữu cả đại dương. Bãi cát trong bờ không đẹp nhưng phong cảnh thì khoáng đạt. Dường như phải ở đảo ta mới cảm nhận được cái hùng vĩ của đất trời, của gió lồng lộng, của mây cuồn cuộn trên cái nền phía xa là những dãy núi lửa nằm im hàng nghìn năm mà vẫn âm ỉ trong lòng sục sôi năng lượng. Nhiều người thú thật rằng họ quay lại nơi đây nhiều lần cũng bởi vì yêu ngay phong cảnh từ cái nhìn đầu tiên.
Nhà nghỉ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ Du lịch hẳn hoi, nhưng mà khách ở một bên, chủ ở một bên, hai con chó nằm ngủ vạ vật, chính ra lại có cảm giác ở trong một gia đình người bản địa, có cơ hội được trò chuyện, được hiểu thêm văn hóa.Mình quên mất lại đi nhét lọ dầu gội đầu vào hành lý xách tay, qua soi chiếu an ninh trước khi lên máy bay bị bỏ thùng rác. Khi đến nhà nghỉ, hỏi đường đi mua dầu gội, bà chủ lục tủ của nhà, đưa luôn cho một lọ, nói cứ dùng đi khi nào về thì trả tiền, cuối cùng đến hôm mình trả phòng, nhất định không cho trả. Có những chi tiết thế thôi mà khiến khách nhớ mãi, quên đi cả cái hồ bơi bẩn không tắm được hay cái ga trải giường ba hôm không thay.
Sau chuyến hành trình lơ lửng trên không trung, ai mà chẳng muốn nghỉ ngơi.Tất cả nằm duỗi dài trên bãi biển, thả lỏng, mắt lim dim, muốn cảm nhận xem cất công đến tận đây liệu có khác gì ở Vũng Tàu. Cũng là hàng dừa bãi cát vậy thôi mà sao khi hoàng hôn buông xuống đỏ rực, bất chợt mở mắt ra mỗi người dường như đều cảm thấy rõ ràng cái choáng ngợp của thiên nhiên. Ai nấy ngồi yên lặng đi một lát như ngạt thở trước những dải màu tương phản, mềm mại nhưng dữ dội. Mặt trời cứ dùng dằng mãi không lặn hẳn, hí hoáy vẽ những đường nét vằn vện lên chân trời. Trong sân, đuốc được thắp lên bập bùng và bầu không khí tĩnh lặng bị phá tan bởi giai điệu và những chuyển động mạnh mẽ của điệu múa truyền thống. Đây mới thực sự là sức sống của một hòn đảo núi lửa: âm nhạc và vũ điệu.
Sáng sớm hôm sau, tự nhủ rằng phải ngắm bình minh, mình dậy sớm đi chân trần trên bãi cát. Nơi cửa sông của thành phố chảy ra biển cách nhà nghỉ có chục mét. Nước rất sạch, không xây kè xây cống, không có nước thải, cũng không thấy ai ngồi câu cá. Bãi biển dài mà không một cọng rác, không có những resort đua nhau chen ra mà chỉ có rong rêu trôi dạt lên bờ cùng rau muống biển. Bạt ngàn rau muống biển, những cái lá xanh lục sáng hình trái tim cứng cáp cứ rung rinh trong gió. Trông dễ thương thế thôi chứ sức sống thì phi thường, mọc xuyên qua cát, ngâm rễ trong nước mặn mà lá vẫn non mơn mởn.
Như đã nói thì Fiji nằm trên Đường đổi ngày quốc tế. Điều đó có nghĩa là gì? Fiji dùng múi giờ 12+, Nhật Bản suốt ngày được gọi là đất nước Mặt trời mọc dùng múi giờ 9+, Auckland luôn được liệt kê mỗi dịp Tết Tây là thành phố đầu tiên đón năm mới, còn lúc này mình đứng đây thấy khoan khoái và tự hào rằng mình đã từng là một trong những người đầu tiên trên Trái Đất chào ông Mặt trời (sớm hơn Nhật 3 tiếng).
Không có bất kì một âm thanh nào ngoài tiếng sóng biển lăn lên cát, từng lớp sóng đều đặn như người ta duỗi tay tập thể dục buổi sáng. Mình chọn thời gian đi vào đầu mùa mưa, Giáng Sinh thì chưa tới nên du khách đã vắng đi ít nhiều. Ban ngày nắng rất đẹp nhưng mỗi khi trời bắt đầu tối thì mây đen ngoài xa lại lũ lượt kéo vào. Mới đêm qua thôi, mưa còn ào ào xối xả như quất từng mảng nước vào cửa kính phòng ngủ. Sóng gầm lên trong cơn mưa rào, tiếng sóng chứ không phải tiếng sấm, ầm ầm nhưng đều đặn tạo thành một thứ nhịp điệu sôi nổi ban đầu rồi nhanh chóng khiến người ta buồn ngủ. Lại nhớ lúc còn bé, lần đầu ngủ cạnh biển ở Phan Rang, cứ thấy sấm và không thấy mưa, mãi mới hiểu ra là sóng đánh, dù quê mình cũng ở biển nhưng sóng không lớn như thế.
Dân da trắng trong khách sạn, sáng ra đã vội vàng gói ghém đồ đạc, đè nhau ra bôi kem chống nắng bóng nhẫy để lên đường ra đảo, phải tranh thủ từng phút nắng vàng ở cái đất chưa thấy mùa đông này. Mình không đi đâu mà vội, bắt xe buýt vào thành phố để xem nhân tình thế thái ở đây ra sao.
Mình phải mở đầu với thuật ngữ Fiji time là bởi vì tính chất này bao trùm lên toàn bộ cuộc sống nơi đây (cũng chậm nhưng không phải chậm theo phong cách Lào). Người ta cứ thong thả, cái gì đến sẽ đến, không có chuyện tranh nhau bắt xe hay cố chen chân lên một chuyến xe đã chật kín người. Không đi chuyến này thì ta đi chuyến khác. Xe buýt trong thành phố cũng vậy, người trên xe giật chuông, bác tài dừng lại, hành khách chậm rãi đứng dậy, người ở dưới đợi người trên xuống hẳn rồi mới lên, lần lượt từng người đưa tiền cho tài xế, nhận tiền thừa trả lại, khi mọi người vào trong hết, xe mới bắt đầu chạy. Cái xe buýt thì cũ kĩ, cọc cạch cứ rên lên khe khẽ như bà cụ bị hen còn mông thì lại lắc như hotgirl lên sàn nhảy. Xe không có cửa sổ, điều hòa gió trời mát rượi, người ngồi thò tay hết ra ngoài, nhưng văn hóa người đi xe và người lái xe thì Tây cũng phải nhìn, im lặng để mà học hỏi. Khách du lịch, đặc biệt là dân châu Á (ngán nhất là mấy bà Hàn Quốc, thím nào cũng tóc uốn xoăn tít, đội mũ visor, mồm bịt khẩu trang y tế, đeo kính râm bất chấp trời mưa) luôn luôn được nhắc nhở: “Don’t rush! It’s Fiji time!” (Đừng vội vàng, đây là thời gian ở Fiji).
Nadi là thành phố lớn thứ ba cả nước, là cửa ngõ quốc tế nhưng sao trong chiều mưa nó ảm đạm đến lạnh lùng. Trên cái phông nền xám xịt và lõng bõng nước, người ta vẫn đi trên vỉa hè nhưng không hề thấy cái ồn áo nào nhiệt của đô thị mà buồn như phố huyện của Thạch Lam. Đi qua một cửa hàng lớn đang Sale, người ta túm tụm ướm thử những cái áo ngắn tay thiết kế kiểu “không thể đơn giản hơn” của Trung Quốc nhưng vẫn là mốt ở đây. Đông người mua thế nhưng vẫn trật tự, tâm trí và thính giác của mình đang có vấn đề hay tại văn hóa ở đây như vậy?
Nơi phồn hoa đô hội còn như thế, vậy thì cảnh miền quê ra sao? Kế hoạch của mình là đi lặn biển cách trung tâm bốn mươi cây số.Xe bắt đầu chạy ra khỏi thành phố, nhà cửa càng thưa thớt. Ở đảo lớn nhất này, Viti Levu, nơi có cả ba thành phố chính có một con đường quốc lộ duy nhất chạy một vòng quanh đảo. Chu vi của đảo khoảng 400 cây số. Địa hình chủ yếu là núi, toàn những ngọn núi lửa đã thôi không hoạt động nhưng chất đất được tạo thành do dung nham phun trào vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn những vạt đồi đất đỏ màu mỡ lại nhớ đến Tây Nguyên, còn bên tay kia giáp biển với những căn nhà một tầng mái tôn, trong sân một hai cây dừa sao mà thấy giống miền Tây đến thế. Khác mỗi là nhà ở đây không có hàng rào, không cần phải đánh dấu lãnh thổ hay bảo vệ chủ quyền, cả làng đều thế, không có giới hạn ngăn giữa trường học và nhà.
Con đường bé xíu cứ dài tít tắp, không có xe cộ, trời cao xanh lồng lộng như của Magritte, cảnh vật trở thành chủ nghĩa tối giản. Trời xanh ngắt, đường nhựa xám và mía xanh rì. “Em ơi Fiji ngọt lịm đường!”, những cánh đồng mía nhiều vô kể, cứ thấy từng hàng dài dằng dặc không có kết thúc. Mía là cây công nghiệp chủ đạo ở đây. Hai bên đường đôi khi nhìn thấy những đường ray bé tí tẹo, bò ngoằn ngoèo, han gỉ đỏ lòm, nằm phờ phạc dưới nắng như bị lãng quên hàng trăm năm từ thời thuộc địa. Anh lái xe giải thích rằng không phải để tàu hỏa đi, mà người Anh cho làm để chuyên chở mía nhưng giờ đây cũng đã bị bỏ mặc để thi gan cùng tuế nguyệt. Những cánh đồng trồng sắn (cassava) và khoai môn (taro) hay bắt gặp xen kẽ với mía là hai loại hoa màu chính ở đây.
Đôi lúc thấy những người phụ nữ ngồi bên đường đợi xe, nói chuyện dưới cái nắng oi ả, con đường vắng lặng, cuộc chờ đợi một chuyến xe tưởng như vô tận. Họ chẳng phải chốc chốc ngó ra đường xem có xe tới không mà cũng không lo xe đi qua không dừng lại. Nhìn cái điểm dừng xe dựng bằng vài ba cột gạch quét vôi trắng, mái fibro xi măng, nền đất nhưng sạch sẽ không biết nên cho là lạc hậu hay văn minh đây? Phải chăng cách sống như vậy khiến họ được phương Tây coi là một trong những dân tộc hạnh phúc nhất Địa cầu.
Bất chợt bắt gặp một màu hoa thân quen ở một nơi xa xôi tít tắp trong lòng thấy thật khó tả. Hoa phượng vĩ ở đây cũng nở vào mùa hè (dù trời nóng quanh năm). Gọi là mùa hè vì mưa nhiều và học sinh được nghỉ học từ tháng 12 đến tháng 3. Nhưng khác với chúng ta ví màu hoa đỏ như đuôi chim phượng, ở xứ này họ gọi là Christmas Flower, vì nó trùng với mùa Giáng Sinh mà màu hoa lại đỏ rực. Những người Fiji gốc là những người cực kỳ sùng đạo Thiên Chúa. Vẫn nhớ lúc chia tay, bà chủ nhà chúc mình “Merry Christmas” cùng với sức khỏe hạnh phúc, thấy cảm động, lời nói chân thành chứ không giả tạo như mấy anh Tây bán hàng trong siêu thị (bị cấp trên bắt) chúc lấy lệ.
Tái bút:
Bài đầu tiên xin dừng lại bằng vài nét chấm phá, để bạn đọc mường tượng ra bối cảnh và không khí của một vùng đất xa xôi.Xin để dành nhiều chuyện hơn cho bài kế tiếp.
Đến Fiji không phải là quá khó, khó ở mỗi chuyện… tiền.Từ Úc và New Zealand đi chỉ mất vài tiếng đồng hồ bay thẳng còn nếu từ Việt Nam, chắc cũng phải mất vài sào ruộng. Thuận tiện nhất từ Việt Nam theo mình có hai đường, một là Korean Air transit ở Seoul, hai là Fiji Airways bay từ HongKong. Visa yêu cầu: vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, chứng minh tài chính (không nói rõ bao nhiêu, mình chứng minh $2000), đơn xin thị thực. Mình chưa xin visa từ Việt Nam nên không rõ, các bạn nên liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Fiji tại Malaysia. Gửi email nhân viên đại sứ quán sẽ trả lời nhanh và đầy đủ, hướng dẫn chi tiết.
Level 2 Menara Chan
138 Jalan Ampang
50450 Kuala Lumpur
Tel: (60-3) 21664314
(60-3) 21664315
Fax: (60-3) 21664317
[email protected]
[email protected]
*
Nguồn: soi.today
Tác giả: Đặng Thái