Quy định mới về thị thực nhập cảnh (visa) đang là rào cản làm khách du lịch đến Việt Nam giảm mạnh. Ngày 25-5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam”.
Tụt hậu
Gần 1 năm, từ tháng 6-2014 đến tháng 4-2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn trong tình trạng sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê, số khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước (đạt khoảng gần 700.000 lượt khách).
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong khi các nước Malaysia, Thái Lan mỗi năm đón lượng khách quốc tế lần lượt là 27,4 triệu và 24,7 triệu (năm 2014) thì Việt Nam chỉ đón 7,8 triệu khách. Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế của Malaysia, Thái Lan là 20%-30% thì Việt Nam, con số tăng trưởng là âm. Du lịch Việt Nam đang tụt hậu và đứng trước nhiều thách thức lớn.
Chưa hết, so sánh số lượng khách quốc tế vào Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài ở riêng khu vực ASEAN, ông Bình cho hay năm 2014 có hơn 900.000 khách Việt Nam đến Lào, trong khi khách Lào đến Việt Nam chỉ có hơn 136.000, tỉ lệ khách đi gấp 6,6 lần khách đến. Đối với thị trường Campuchia, tỉ lệ này là 2,2 lần, Thái Lan là 2,26 lần, Singapore 2,1 lần… “Chúng ta thua ngay trên sân nhà, người Việt Nam quay lưng với du lịch nội địa để đi ra nước ngoài” – ông Bình đau xót.
Làm ngược với thế giới
Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng sụt giảm, theo cách ví von của ông Bình là “tự buộc ta lại, làm vướng chân tay của ta”, đó là chính sách mới làm khó cho thu hút khách du lịch như chế độ thị thực nhập cảnh (visa) mới, bỏ transit, siết lại du lịch tàu biển…
Kêu trời về chế độ visa hiện nay, ông Bình cho hay trên thế giới có 174/229 nước và vùng lãnh thổ miễn visa cho công dân các thị trường lớn là Mỹ, Đức, Anh, 173 nước miễn visa cho công dân Canada, 172 nước miễn visa cho công dân Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà lan, Ý, Bồ Đào Nha…
“Cả thế giới chào đón khách du lịch từ các nước này nhưng Việt Nam thì không. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến du khách những thị trường này không hào hứng đến Việt Nam” – ông Bình phân tích.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Red Tour, cho rằng chúng ta đang đi ngược với quá trình phát triển du lịch thế giới. Trong khi Singapore miễn visa cho 158 quốc gia, Philippines là 157 quốc gia và Thái Lan là 155 quốc gia thì Việt Nam lại đứng hàng số 3 từ dưới lên trong danh sách 16 quốc gia được thống kê. Đó là chưa kể các thủ tục làm visa của Việt Nam quá rườm rà, có tới hơn 10 văn bản giấy tờ cần xác nhận (photocopy vé máy bay, xác nhận trong nước, xác nhận của hướng dẫn viên…), thậm chí phải “lót tay”.
Ông Trần Khang Thủy, Giám đốc Công ty EXO travel, cho hay ở Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều nước, rất nhiều lần ông bắt gặp cảnh phải biếu xén tiền cho nhân viên làm thủ tục cấp visa. Ông Thủy khẳng định chính các quy định về thị thực hiện nay cũng như hệ thống xử lý visa phức tạp nhất Đông Nam Á của Việt Nam đã tạo ra rào cản cho du lịch Việt Nam khi so sánh với các nước trong khu vực.
Tìm hướng đột phá
Ông Bình đưa ra một số giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng sụt giảm du khách, trước hết là mỗi doanh nghiệp (DN) có một kế hoạch mạnh mẽ, tham gia tích cực vào chương trình kích cầu nội địa và khách hồi hương, đẩy mạnh liên kết với các DN khác để xây dựng sản phẩm hấp dẫn cả về chất lượng và giá cả.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ ngành du lịch bằng các chính sách cụ thể như miễn visa cho một số thị trường trọng điểm, trước mắt là các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Đức nhằm tạo ra đột phá ở các thị trường này; kiến nghị cho phép triển khai loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế trong thời gian 120 giờ; kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các DN du lịch bằng cách miễn thuế GTGT trong vòng 1 năm cho các DN tham gia chương trình kích cầu du lịch, cho phép nộp chậm 6 tháng đến 1 năm đối với thuế thu nhập DN của các DN này; miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 12-2015…
Cũng theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần tập trung nguồn lực tổ chức một số chiến dịch tổng hợp thu hút khách quốc tế vào Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ 3 thị trường hàng đầu là Nhật, Hàn Quốc, Nga và có kế hoạch triển khai một chương trình xúc tiến mạnh mẽ với các thị trường đang đề nghị Chính phủ miễn visa…
Khách du lịch là khách có chi tiêu
Với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu và quản lý du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng lễ hội trong nước quá nhiều đã khiến các địa phương ngộ nhận người đi lễ hội là khách du lịch. Đó là một sai lầm. Khách du lịch là khách có chi tiêu, phải tách bạch điều này một cách rõ ràng.
Nguồn: Tổng hợp Internet