Mách bạn cách phòng tránh bệnh cúm mà không cần tiêm ngừa

Cúm là căn bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Để phòng tránh bệnh cúm, tiêm vắc xin là biện pháp được nhiều người nghĩ đến, thế nhưng ít ai biết rằng còn có nhiều cách khác để phòng tránh căn bệnh này.

Tiêm phòng cúm là điều mà các bác sĩ thường khuyên mọi người thực hiện để phòng tránh bệnh. Thế nhưng, mặc dù được xem là an toàn nhưng nhiều người vẫn còn e ngại bởi lo sợ việc tiêm vắc xin sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ.

Bạn đang lo sợ về điều này và đang tìm cách để phòng tránh cúm mà không cần tiêm? Nếu vậy, Hello Bacsi sẽ mách bạn một số bí quyết dưới đây.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 10 – 15% dân số mắc bệnh cúm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc. Cúm là một bệnh truyền nhiễm do các chủng virus cúm influenza gây ra. Đối với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cúm chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và người bệnh có thể tự bình phục sau 7 – 10 ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

6 cách phòng tránh bệnh cúm hiệu quả mà không cần tiêm phòng

1. Rửa tay thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh cúm

Để phòng tránh bệnh cúm, việc rửa tay thường xuyên là điều rất quan trọng. Theo các chuyên gia, bệnh cúm thường lây qua những giọt nước nhỏ bắn ra khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Những giọt nước này có thể vô tình bám vào tay, nếu bạn không biết mà đưa tay vào mũi và miệng thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn nên rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi ho, hắt hơi, trước khi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Bạn nên rửa tay bằng nước với xà phòng có đặc tính kháng khuẩn và cọ xát trong 15 giây để loại bỏ sạch vi khuẩn. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn nước rửa tay có cồn trong túi xách, ba lô để sử dụng mỗi khi đi ra ngoài.

2. Càng ít sờ vào mặt càng tốt

Đây cũng là một điều rất quan trọng mà bạn cần ghi nhớ. Sau khi bạn sờ vào bề mặt bị nhiễm bẩn, tay của bạn có thể bị nhiễm virus cúm và nếu bạn vô tình sờ lên mặt, virus này sẽ dễ thâm nhập vào cơ thể qua đường mũi hoặc miệng.

Chính vì vậy, bạn nên tập thói quen tránh sờ tay lên mặt để giảm nguy cơ đưa vi trùng trực tiếp vào cơ thể. Không sờ vào mặt còn quan trọng hơn cả việc rửa tay, đó là lý do tại sao bạn nên cố tránh làm điều này. Ngoài ra, nếu bạn hay dùng son môi, hãy chọn son thỏi thay vì son đựng trong hộp cần dùng ngón tay để bôi lên môi.

Phòng tránh bệnh cúm

3. Tránh xa những nơi đông đúc

Trong thời gian cao điểm của dịch cúm, bạn nên tránh đi đến những nơi đông đúc. Nếu bạn hoặc các thành viên khác trong gia đình có các triệu chứng bị cúm như  sốt, ớn lạnh, đau nhức xương, hãy ở nhà thay vì đi làm hoặc đi học. Thậm chí, bạn cũng không nên đi bệnh viện trừ khi bạn khó thở hoặc sốt cao bởi bệnh viện là nơi đầy rẫy vi khuẩn, sẽ khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

4. Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài

Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên đeo khẩu trang khi mỗi khi đi ra ngoài. Điều này không chỉ giúp ngăn bụi bẩn mà còn giúp giảm nguy cơ virus xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi và miệng. Nếu nhà bạn đang có người bị cúm, hãy yêu cầu người bệnh và các thành viên trong gia đình đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để hạn chế nguy cơ lây bệnh.

5. Tránh xa những người đang bị ho

Vì bệnh cúm lây qua việc tiếp xúc với những giọt nước tiết ra từ người bị bệnh nên khi bạn ở gần người đang ho, nguy cơ bị lây nhiễm virus cúm sẽ tăng lên rất lớn. Hắt hơi và ho là một trong những cách nhanh nhất để truyền virus vì giúp virus đi nhanh hơn. Bạn sẽ rất dễ bị bệnh nếu ngồi gần người đang ho và hắt hơi. Vì vậy, nếu có thể, hãy tránh xa những người này.

6. Duy trì một lối sống lành mạnh

Để phòng tránh bệnh cúm, quan trọng nhất bạn vẫn nên duy trì một lối sống lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Bạn nên ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá căng thẳng vì điều này có thể làm tăng lượng hormone cortisol trong cơ thể, làm kìm hãm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch trong thời gian dài.

Ngoài ra, bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt, các loại đậu để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tập thể dục thường xuyên cũng là một thói quen tốt mà bạn nên duy trì để phòng tránh bệnh cúm. Hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại với việc tập thể dục bằng cách sản sinh ra nhiều tế bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Các nghiên cứu cho thấy những người tập luyện thể chất thường xuyên từ 5 đến 6 ngày/tuần sẽ ít bị cảm lạnh và đau họng hơn 50% so với người không tập thể dục.

Nếu bị cúm thì tôi nên làm gì?

Hầu hết những người khỏe mạnh sẽ khỏi bệnh sau 7 đến 10 ngày. Thông thường, các triệu chứng tồi tệ nhất sẽ biến mất trong vòng bốn ngày.

Nếu muốn rút ngắn thời gian bị bệnh, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng 3 loại thuốc chống virus như peramivir (Rapivab), oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza). Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ hoạt động nếu bạn bắt đầu sử dụng sau hai ngày kể từ khi bị nhiễm virus cúm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các phương pháp tự nhiên như dùng thảo mộc, vitamin, chất bổ sung và các phương thuốc khác để giảm nhẹ các triệu chứng.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

Bạn thấy bài viết này thế nào?
[Trung bình: 3]

Leave a Reply

Note: Comments on the web site reflect the views of their authors, and not necessarily the views of the bookyourtravel internet portal. Requested to refrain from insults, swearing and vulgar expression. We reserve the right to delete any comment without notice explanations.

Your email address will not be published. Required fields are signed with *

*
*