Tại Pháp, dùng hàng giả là bất hợp pháp và du khách có thể đối mặt với án tù, hoặc tiền phạt cao.
Theo Trung tâm Tiêu dùng châu Âu ECC, du khách đến những quốc gia sau sẽ gặp rắc rối nếu mang theo hoặc mua hàng giả.
Tại Pháp, nếu mang hàng giả đến nước này và bị phát hiện, du khách có thể bị phạt số tiền cao gấp đôi giá trị thật của món đồ đó. Mức phạt tối đa là 300.000 Euro. Việc dùng hàng giả có thể khiến khách phải đối mặt với án tù 3 năm. Nếu bị phát hiện nằm trong đường dây buôn bán hàng giả, án tù lên đến 10 năm.
Ở Áo, số tiền phạt có thể lên đến 15.000 Euro. Tuy nhiên, nếu bạn bị lừa mua phải hàng giả trên mạng, sẽ không bị phạt.Chính quyền Ireland cũng mạnh tay với nạn hàng giả. Bất kỳ ai mang hàng giả vào đất nước này đều bị coi là phạm tội. Du khách có thể ngồi tù một năm hoặc nộp phạt từ 5.000 đến 126.000 Euro, tùy thuộc vào món hàng giả mà bạn sở hữu. Nếu giá trị thật của món hàng giả lớn hơn 250.000 Euro, bạn có thể nhận bản án tới 5 năm tù.
Du khách nhập cảnh vào Bỉ và mang theo các món hàng không phải chính hãng hoặc đạo nhái thương hiệu của người khác có thể bị phạt từ 500 Euro đến 100.000 Euro. Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự.
Cảnh sát Italy có thể phạt khách du lịch lên tới 11.000 Euro nếu phát hiện người đó có hành vi mua bán hàng giả từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.
Ngoài việc gặp rắc rối với hàng giả, khách du lịch cũng sẽ bị phạt 500 Euro nếu vừa đi vừa ăn trên đường phố Florence, Italy. Đi dép dọc các con đường ở Cinque Terre thuộc nước này cũng khiến khách bị phạt gần 2.500 Euro.Tại các nước như Đức, Tây Ban Nha, việc du khách dùng hàng giả không bị phạt tiền. Dù vậy, họ vẫn được khuyến cáo không nên sử dụng các mặt hàng vi phạm bản quyền này.
Một câu hỏi được nhiều du khách đặt ra là: làm thế nào để biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để tránh. Theo cảnh sát Anh, du khách nên kiểm tra chất lượng và nhãn hàng của sản phẩm đó. Các sản phẩm giả mạo thường có nhãn bị sai chính tả, hay các dấu hiệu khác với nguyên mẫu. Bạn không nên mua một món hàng với giá quá rẻ, vì không hàng hiệu hay hàng chính hãng nào bán với giá rẻ hơn nhiều lần so với niêm yết. Khi mua đồ, bạn cũng nên yêu cầu người bán cung cấp thông tin về các dịch vụ hậu mãi, bảo hành. Phần lớn kẻ lừa đảo không thể cung cấp các giấy tờ này.
Anh Minh (Theo News)