Mozambique:
Hiếm có quốc gia nào lại để hình ảnh vũ khí trên quốc kì. Tuy nhiên, cờ của Mozambique có hình ảnh súng trường AK-47 tượng trưng cho an ninh và quốc phòng. Cuốn sách mở tượng trưng cho tầm quan trọng của giáo dục và chiếc cuốc đại diện cho nền nông nghiệp của quốc gia.
Bhutan:
Rồng là biểu tượng quan trọng với nhiều quốc gia châu Á, nhưng Bhutan nằm trong số ít các quốc gia có lá cờ mang hình loài vật này. Con rồng trên cờ Bhutan là Druk, rồng sấm huyền thoại của người Bhutan với 4 chân quắp 4 viên ngọc quý. Phần màu vàng tượng trưng cho truyền thống dân gian và phần màu đỏ tượng trưng cho Phật giáo tại Bhutan. Màu trắng của Druk biểu thị cho sự thanh khiết của những tư tưởng nội tâm và hành động nhằm đoàn kết toàn bộ nhân dân vốn đa dạng về dân tộc và ngôn ngữ. Những viên đá quý được giữ trong vuốt rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan, trong khi miệng gầm gừ của rồng biểu thị cam kết của các thần linh về việc bảo hộ Bhutan
Swaziland:
Trên cờ của Swaziland, ta có thể thấy một tấm khiên màu trắng và đen (tượng trưng cho sự hòa hợp giữa các màu da) và hai mũi lao. Ba vật thể màu xanh là lông chim góa bụa và chim Lourie. Biểu tượng lông chim này vô cùng quan trọng, chỉ vua của vương quốc Swaziland mới được sử dụng biểu tượng đó.
Kyrgyzstan:
Biểu tượng trông như một quả bóng tennis đang phát sáng này thực chất là mặt trời với 6 đường bắt chéo nhau, tượng trưng cho cấu trúc nhà ở truyền thống của người Kyrgyz có tên “yurt”. Có 40 tia sáng giống nhau bao quanh mặt trời, tượng trưng cho 40 bộ lạc đã hợp nhất dưới sự lãnh đạo của người hùng Manas để chống lại quân Mông Cổ.
Belize:
Trong khi phần lớn quốc kỳ các nước có biểu tượng và hình khối khá đơn giản, thiết kế của cờ Belize lại rất phức tạp. Giữa lá cờ là hình ảnh hai thợ cắt xẻ gỗ da màu và người Mestizo cầm các dụng cụ làm việc, bao quanh họ là 50 lá cây gụ, tượng trưng cho nền lâm nghiệp, nguồn thu chủ đạo của quốc gia này.
Nepal:
Quốc kỳ Nepal là quốc kỳ duy nhất trên thế giới không có hình tứ giác. Thiết kế lá cờ gồm hai tam giác vuông chồng lên, trên đó có biểu tượng trăng lưỡi liềm và mặt trời tượng trưng cho hai đạo lớn nhất tại Nepal là đạo Hindu và đạo Phật. Trước năm 1962, lá cờ còn đặc biệt hơn khi trên biểu tượng mặt trăng và mặt trời còn có hình mặt người.
Kenya:
Quốc gia châu Phi cũng chọn hình mũi lao cho quốc kỳ. Cùng với màu đỏ ở trung tâm lá cờ, mũi lao tượng trưng cho sự bảo vệ và máu đã đổ xuống để giành độc lập. Màu đen ở phần trên của lá cờ tượng trưng cho người Kenya và dải màu xanh phía dưới tượng trưng cho khung cảnh của quốc gia này.
Đảo Man:
Nằm giữa Great Britain và Ireland, đảo Man là khu tự trị phụ thuộc hoàng gia Anh, nổi tiếng với lá cờ lạ lùng. Biểu tượng ba chân bọc giáp sắt với đinh thúc ngựa và khớp nối bằng vàng nổi bật trên nền đỏ. Biểu tượng lạ lùng này được sử dụng bởi người Mycenae và người Lycia hàng ngàn năm trước. Đảo Man bắt đầu sử dụng biểu tượng này 1932 nhưng không ai rõ lý do tại sao.
Cyprus:
Từ tháng 8/1960, quốc kỳ của Cyprus có hình ảnh bản đồ hòn đảo và hai cành ô liu phía dưới. Cành ô liu và nền màu trắng tượng trưng cho hòa bình, màu cam của bản đồ tượng trưng cho lượng quặng đồng lớn của quốc đảo này.
Uganda:
Sếu xám hoàng gia (loài đặc hữu của đồng cỏ châu Phi) xuất hiện trên cờ của Uganda với một chân nâng lên, tương trưng cho sự chuyển động về phía trước. Ba màu sắc trên lá cờ đại diện cho người dân (đen), ánh nắng (vàng) và tinh thần đoàn kết của châu Phi (đỏ).
Grenada:
Được đưa vào sử dụng từ năm 1974, quốc kỳ của Grenada có viền màu đỏ với 6 ngôi sao tượng trưng cho 6 xứ đạo của đất nước. Ngôi sao ở giữa lá cờ được bao bọc bởi hình tròn màu đỏ là thủ đô Saint George của Grenada. Biểu tượng bên trái là một hạt nhục đậu khấu, một mặt hàng chủ lực của Grenada. Màu đỏ thể hiện sự can đảm và sức sống, màu vàng tượng trưng cho sự thông thái và ấm áp, màu xanh là của cây cỏ và nền nông nghiệp.
Mông Cổ:
Quốc kỳ của Mông Cổ có ba dải màu với biểu tượng quốc gia của Mông Cổ, “Soyombo”, nằm trên dải đầu tiên từ trái sang. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy Soyombo tượng trưng cho lửa, mặt trời, mặt trăng, trái đất, nước và âm – dương. Dải màu xanh ở giữa đại diện cho bầu trời, trong khi hai dải màu đỏ tượng trưng cho khả năng phát triển trong môi trường khắc nghiệt của Mông Cổ.
Nguồn: news.zing.vn