Các đề án bảo tồn và phát triển bền vững ở Tràm Chim đang phát huy tác dụng, trả lại cho nơi đây thảm thực vật phong phú, đa dạng.
Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) có tổng diện tích tự nhiên 7.313 ha. Thảm thực vật ở đây phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, gồm 231 loài chim nước, 130 loài cá nước ngọt. Đây là khu Ramsar (khu đất ngập nước quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới) thứ 2.000 của thế giới.
Tuy nhiên, ban giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, tác động của biến đổi khí hậu, áp lực dân số di cư và từ các đập thủy điện trên thượng nguồn đã khiến cho nhiều loài động thực vật quí hiếm có nguy cơ mất dần. Kéo theo đó là biến đổi khí hậu, gây lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn, sụt lở đất, dịch cúm…
Với diện tích hơn 7.313 ha, 231 loài chim, 130 loài cá và hệ sinh thái đa dạng, Tràm Chim là khu Ramsar có vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.
Những năm gầy đây, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn và phát triển cho vườn quốc gia Tràm Chim. Đáng chú ý là dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” do tỉnh này và quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), công ty Coca-Cola phối hợp thực hiện. Sau 8 năm liên tục triển khai giải pháp quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phục hồi thảm thực vật…, môi trường sống tự nhiên cho các loài chim quý hiếm đang dần được hồi sinh.
Theo số liệu thống kê từ WWF, gần đây đã có khoảng 12.000 con cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 con cò trắng đến sinh sống, sinh sản tại Tràm Chim. Đặc biệt, gần 20 con sếu đầu đỏ – loài chim sắp tuyệt chủng nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cũng về Tràm Chim kiếm ăn, sinh sản trong mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 4).
Bên cạnh đó, 200 hộ dân sinh sống quanh vườn quốc gia Tràm Chim đã được tham gia khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý vào mùa nước nổi. Các hộ khó khăn được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để có điều kiện khai thác thủy sản mùa nước về.
Từ đó, người dân được hưởng lợi ích trực tiếp thông qua khai thác tài nguyên rừng bền vững, phát triển du lịch sinh thái. Họ được tuyên truyền, tập huấn, tham gia các hoạt động phục vụ du khách tham quan như chèo xuồng, gặt lúa ma, bắt chuột đồng… Trung bình mỗi hộ dân tăng thu nhập thêm 1,46 triệu đồng/tháng.
Với dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng”, Coca-Cola đã đóng góp hơn 1,2 triệu USD suốt 8 năm qua. Chương trình không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, bảo tồn các loài chim quý hiếm mà còn cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Từ ngày 25/9 đến ngày 27/9, ngày hội Du lịch Đồng Tháp sẽ được tổ chức tại vườn quốc gia Tràm Chim với chủ đề “Tràm Chim mùa nước nổi”. Chương trình có nhiều hoạt động như cuộc thi các mô hình chim nghệ thuật, thi ảnh vẻ đẹp động – thực vật Tràm Chim, triển lãm ảnh 3D Lạc vào Đồng Tháp Mười… nhằm quảng bá vẻ đẹp Tràm Chim đến du khách.
Nguồn: Zing news