Du lịch Shwe Yaunghwe Kyaung (Myanma) – tu viện với ô cửa oval huyền thoại

Chúng tôi thường gọi tu viện ấy bằng cái tên đơn giản gợi nhớ đến ô cửa sổ nổi tiếng hình bầu dục đã trở thành huyền thoại với khách lãng du mỗi khi nhắc về hồ Inle (Bang Shan, Myanmar) là tu viện hình ôvan.

Mặt tiền của tu viện với ô cửa sổ nổi tiếng hình bầu dục - Ảnh: Thủy Trần

Mặt tiền của tu viện với ô cửa sổ nổi tiếng hình bầu dục – Ảnh: Thủy Trần

Là điểm dừng chân của nhiều khách lãng du, Shwe Yaunghwe Kyaung còn níu chân nhiều người ở lại lâu hơn họ tưởng bởi những sinh hoạt thú vị của những cậu bé trong màu áo cà sa đỏ sậm.

1. Hai lần tới Shwe Yaunghwe Kyaung tôi đều đến vào khoảng giữa trưa. Trời nắng gắt, những tia nắng màu vàng óng và tu viện đỏ rực nằm một mình nổi bật, xung quanh gần như không có một cây xanh bóng mát nào.

Shwe Yaunghwe Kyaung được xây dựng gần như hoàn toàn bằng gỗ kết hợp với cầu thang bằng ximăng theo phong cách nhà sàn. Tu viện nhỏ nằm ngay trên đường từ động Pindaya đi hồ Inle gồm có hai tòa nhà, một là sảnh đường chính để các nhà sư sinh hoạt và học tập, và một là nơi các nhà sư ngủ và ăn.

Dễ dàng nhận ra mặt tiền tu viện với hai ô cửa sổ hình bầu dục nằm chính giữa và bốn ô cửa sổ khác chia đều ở hai bên, phía dưới là hàng cột chống sàn bằng gỗ trên nền ximăng.

Không được trang trí cầu kỳ như Shwenandaw ở Mandalay, Shwe Yaunghwe Kyaung cuốn hút du khách bởi vẻ mộc mạc và cũ kỹ của màu thời gian và sự nghèo khó.

Thật sự nếu dư dả, hẳn tu viện đã được trang hoàng lộng lẫy thay vì lợp bằng mái tôn đã mất màu và đường diềm trang trí bằng thép dù tinh xảo nhưng đã trở nên han gỉ.

Tan học, các chú bé - nhà sư tụ lại quanh ô cửa để vui đùa - Ảnh: Thủy Trần

Tan học, các chú bé – nhà sư tụ lại quanh ô cửa để vui đùa – Ảnh: Thủy Trần

Một số tụ lại bên ngoài hành lang - Ảnh: Thủy Trần

Một số tụ lại bên ngoài hành lang – Ảnh: Thủy Trần

Mỗi ô cửa một khuôn hình - Ảnh: Thủy Trần

Mỗi ô cửa một khuôn hình – Ảnh: Thủy Trần

2. Các nhà sư trẻ không nói chuyện nhiều với du khách nhưng rất thân thiện. Họ không chú ý lắm tới chúng tôi, hai người trẻ với máy ảnh lỉnh kỉnh trên tay.

Tiếng kẻng ăn trưa vang lên thúc giục, tất cả hối hả cầm thố ăn được sơn màu đen óng của riêng mình tiến về khu nhà ăn, một căn nhà trống rỗng với dăm chiếc bàn thấp và được trải cót để ngồi.

Một nhóm các nhà sư lớn tuổi, dáng vẻ như sư trụ trì và người quản lý chia cơm cho từng người, sau đó cầm âu thức ăn và rau tới từng bàn để phân phát.

Bữa ăn diễn ra trong sự yên lặng, thỉnh thoảng cũng thấy vài cậu bé tinh nghịch chồm qua bàn trêu chọc bạn. Nhưng chỉ thoáng qua, còn phần lớn ai cũng lặng lẽ ăn cho hết phần cơm của mình.

Sau khi các nhà sư bé đã ăn được quá nửa bữa cơm, tôi mới thấy nhóm nhà sư lớn tuổi ngồi ăn tập trung tại một bàn ăn nơi góc nhà. Sau khi ăn xong, từng người lại mang thố của mình đi rửa và tự mang về phòng cất.

Chú bé với chiếc kẻng báo giờ cơm trưa - Ảnh: Thủy Trần

Chú bé với chiếc kẻng báo giờ cơm trưa – Ảnh: Thủy Trần

Các nhà sư cầm thố ăn đi xuống gian bếp - Ảnh: Thủy Trần

Các nhà sư cầm thố ăn đi xuống gian bếp – Ảnh: Thủy Trần

Giấc mơ trưa yên bình - Ảnh: Thủy Trần

Giấc mơ trưa yên bình – Ảnh: Thủy Trần

Bữa ăn trưa ở Shwe Yaunghwe Kyaung - Ảnh: Thủy Trần

Bữa ăn trưa ở Shwe Yaunghwe Kyaung – Ảnh: Thủy Trần

Giờ ăn trong yên lặng ở tu viện, thức ăn được mang đến chia cho từng bàn - Ảnh: Thủy Trần

Giờ ăn trong yên lặng ở tu viện, thức ăn được mang đến chia cho từng bàn – Ảnh: Thủy Trần

3. Sự yên ắng của tu viện Shwe Yaunghwe Kyaung giữa trưa khiến chúng tôi trở nên rón rén. Bóng các nhà sư bé nhỏ trong tấm áo cà sa rực rỡ đi lại trên sân như những chú mèo.

Những ô cửa vừa rộn rã trong thoáng chốc bởi nụ cười, những cái níu vai, những vạt áo vắt ngang giờ đây trở nên im lìm và lặng lẽ, như chưa từng có ai đã hiện lên in hình trên khuôn cửa, như một đoạn phim không có thực khiến tôi ngỡ mình vừa tỉnh một giấc mơ.

Giấc mơ trưa ở Shwe Yaunghwe Kyaung gần hồ Inle huyền thoại. Nơi tôi không biết khi nào mình sẽ được trở lại với bạn đồng hành… một giấc mơ không ngủ yên!

nguồn: dulich.tuoitre

 

Bạn thấy bài viết này thế nào?
[Trung bình: 0]